VIÊM QUANH RĂNG MẠN TÍNH

28/02/2018 14:01:12

Lê Long Nghĩa, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Thị Thu Vân, Cao Hoàng Yến, Nguyễn Viết Đa Đô, Hoàng Bảo Duy                           

                                              

1. ĐẠI CƯƠNG

Viêm quanh răng mạn tính (VQRMT), trước kia được gọi là viêm quanh răng người lớn, hay viêm quanh răng mạn tính người lớn, là dạng bệnh viêm quanh răng thường gặp nhất

Đặc điểm là một bệnh tiến triển chậm, nhưng khi có các yếu tố toàn thân thuận lợi làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể ví dụ đái tháo đường, hút thuốc, stress thì bệnh sẽ tiến triển nhanh phá huỷ mạnh vùng quanh răng.

Bệnh thường gặp ở người lớn nhưng cũng có thể ở thanh niên và trẻ em.

Vùng quanh răng từ ngoài vào trong gồm có: lợi, xương ổ răng, dây chằng quanh răng, cement răng phủ chân răng.

VQRMT được định nghĩa là một bệnh viêm nhiễm ở tổ chức quanh răng, định nghĩa này đưa ra những đặc điểm chính về lâm sàng và căn nguyên : có tích luỹ mảng bám răng, phản ứng viêm ở tổ chức quanh răng, mất dây chằng và xương ổ răng. Túi quanh răng cùng với mất bám dính và tiêu xương là hậu quả của quá trình bệnh.

Viêm quanh răng mạn tính chia làm 2 thể

Thể bệnh khu trú (localized): khi dưới 30% vùng răng trong miệng mất bám dính và tiêu xương ổ răng.

Thể bệnh lan toả (generalized): khi trên 30% vùng răng trong miệng mất bám dính và tiêu xương ổ răng.

2. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Tiền sử viêm quanh răng: những người đã từng mắc bệnh VQR có nguy cơ cao vì đã bị mất bám dính, hậu quả của VQR làm khó vệ sinh răng miệng, khó loại bỏ mảng bám răng

Các yếu tố tại chỗ: Mảng bám răng ở vị trí tiếp giáp giữa bề mặt  răng và bề mặt  lợi là căn nguyên khởi phát VQR mạn tính. Mất bám dính và tiêu xương đồng hành cùng với sự tăng tỉ lệ  vi khuẩn Gr- ở mảng bám răng dưới lợi, đặc biệt là các vi khuẩn: Actinobacillus actinomycetemcomitans, Bacteroides gingivalis, Bacteroides forsythus và Treponema denticola, 4 loài vi  khuẩn này thường liên quan với các đợt mất bám dính  và tiêu xương  ở bệnh nhân VQR mạn tính.

Vì mảng bám vi khuẩn là căn nguyên của VQRMT nên các yếu tố giúp hình thành mảng bám hoặc ngăn cản việc loại bỏ mảng bám đều là yếu tố thuận lợi phát triển bệnh. Cao răng là yếu tố giúp  mảng bám răng bám  dính nhiều nhất. Loại bỏ  mảng bám răng là việc quan trọng.

Các yếu tố thuận lợi khác như hàn răng mặt bên, mặt ngoài, mặt trong sai  kỹ thuât, răng giả sai kỹ thuật hay cách sử dụng hàm giả tháo lắp không đúng, răng mọc chen chúc, bất thường giải phẫu răng (có rãnh, vùng lõm bất thường), hở chẽ chân răng.

Các yếu tố toàn thân

Các bệnh hệ thống làm giảm khả năng đề kháng của vùng quanh răng, ví dụ tiểu đường  làm  bệnh nặng lên, nhiều vùng răng bị  ảnh hưởng.

Stress làm VQRMT , viêm quanh răng loét hoại tử tăng nặng và lan rộng.

Các yếu tố môi trường  và lối sống: khói thuốc làm bệnh tăng nặng và lan rộng, những người bị VQRMT hút thuốc lá bị mất bám dính và tiêu xương nhiều hơn, viêm chẽ răng nhiều hơn, túi lợi  sâu hơn mặc dù ít mảng bám dưới lợi hơn và ít chảy máu lợi hơn

Các yếu tố di truyền: bệnh VQR được coi là bệnh đa nguyên nhân trong đó nguyên nhân chính là vi khuẩn trong mảng bám răng. VQRMT được  phát hiện thấy ở các gia đình nhiều thế hệ, tuy nhiên sự lây truyền vi khuẩn trong gia đình làm cho việc xác định có căn nguyên di truyền hay không trở nên khó khăn.

 

Hình cắt dọc qua vùng quanh răng

 

3. LÂM SÀNG

-Mảng bám trên và dưới lợi,

-Có các triệu chứng của viêm lợi (sưng nề, màu đỏ hay đỏ rực, một  số BN thay đổi màu sắc lợi và sưng lợi không rõ, chỉ phát hiện được viêm khi thăm khám thấy chảy máu). Một số  trường hợp khám lợi khó phát hiện thấy dấu hiệu viêm lợi vì do quá trình  viêm mạn tính kéo dài làm lợi xơ  dày lên che tổ chức lợi viêm bên dưới,

-Tiết nhiều dịch túi lợi.

-Túi quanh răng.

-Mất bám dính.

-Lung lay răng là hậu quả của mất bám  dính và tiêu xương ổ răng.

-Co lợi.

-Có thể có nhạy cảm lợi, có bệnh nhân có cảm giác ngứa lợi, có thể nhạy cảm răng khi hở chân răng nhiều hay do mòn cement  răng. 

-Có thể sang chấn khớp cắn thứ phát do răng di chuyển.

-Có thể áp xe vùng quanh răng.

-Đau trong đợt viêm cấp.

-Rắt thức ăn,

VQR mạn tính được  coi là bệnh do mảng bám răng tích tụ nhiều tại chỗ cho nên có thể một mặt răng hoặc một răng bị viêm quanh răng trong khi các mặt răng còn lại vẫn bình thường.

4. XQUANG: Tiêu xương ổ răng theo hướng ngang, đứng.

5. CHẨN ĐOÁN:

Các tiêu chuẩn chẩn đoán xác định

Các triệu chứng  do viêm mạn tính  ở lợi.

Có túi quanh  răng.

Xquang: tiêu xương ổ răng.

Tiêu xương có thể là tiêu xương chéo (vertical) tạo túi trong xương, hay tiêu xương ngang (horizontal) với túi lợi trên xương.

Mất bám dính là hậu quả của tiêu xương và dây chằng quanh răng.

Chẩn đoán phân biệt

Phân biệt với VQR khác dựa vào : tuổi (thường ở người lớn), tốc độ  của bệnh, VQR phá hủy không có nhiều cao răng và mảng bám như VQR mạn tính.

6. MỨC ĐỘ PHÁ HỦY MÔ QUANH RĂNG CỦA VQRMT: tăng dần theo thời gian mắc bệnh và có điều trị  hay không, chia ra 3 mức độ: nhẹ (slight), vừa và nặng.

Nhẹ: mất bám dính lâm sàng 1-2 mm

Vừa: mất bám dính lâm sàng 3-4 mm

Nặng: mất bám  dính lâm sàng từ 5 mm trở lên

7. ĐẶC ĐIỂM TIẾN TRIỂN CỦA BỆNH

Bệnh tiến triển chậm, có thể phát triển nhanh khi có yếu tố thuận lợi (bệnh toàn thân làm sức đề kháng  giảm), là bệnh do mảng bám răng gây ra, có thể bất kỳ lứa tuổi nào, vì bệnh tiến triển chậm  nên  thường được phát hiện sau tuổi 30.

Trên cùng một  bệnh nhân có thể có vùng , có mặt răng tiến triển nhanh hơn các vùng hay mặt răng khác. Những vị trí tiến triển nhanh thường là mặt bên, nơi có  nhiều mảng bám răng, nơi khó vệ  sinh răng miệng do hình thể  giải phẫu hay do hàn răng và răng giả sai kỹ thuật.

Mức độ tiến triển được đo bằng mức mất bám dính lâm sàng trong một khoảng thời gian.

Phân loại mức độ tiến triển

Liên tục ( continuous)

Từng đợt (random- episodic burst)

Từng đợt không đồng thời giữa các vị trí bệnh (asynchronous multiple burst)

Phân bố bệnh theo tuổi về giới: tỉ lệ ở hai giới tương đương nhau, tuổi tăng thì tỉ lệ bệnh và mức độ nặng tăng.

8. TIÊU CHUẨN NHẬN BIẾT CĂN NGUYÊN VQRMT

Sigmund Socransky (một nhà nghiên cứu ở trung tâm nha khoa Forsyth ở Boston) đưa ra các tiêu chuẩn mà theo đó, vi sinh vật vùng quanh  răng có thể cho là căn nguyên gây bệnh

- Có sự liên quan với  bệnh, biểu hiện bởi việc tăng số lượng ở vùng bệnh so với vùng lành.

- Vùng bệnh khi được điều trị thì số lượng vi khuẩn đó giảm hoặc mất hẳn

- Có sự đáp ứng của vật chủ với vi sinh vật, biểu hiện bằng sự thay đổi ở tế bào hoặc đáp ứng miễn dịch.

- Có khả năng gây bệnh thực nghiệm trên  động vật.

- Vi sinh vật có khả năng gây độc tế bào vùng quanh răng và phá huỷ tổ chức.

 

9. ĐIỀU TRỊ

Điều trị toàn thân: cần cân nhắc có dùng kháng sinh hay không, kháng sinh được dùng khi có biến chứng áp xe, khi bệnh nhân có bệnh thấp tim, thể trạng yếu.

Điều trị tại chỗ

Không phẫu thuật: Vì nguyên nhân của VQRMT là vi khuẩn ở mảng bám răng nên việc loại bỏ cao răng và mảng bám là bắt buộc.

Phẫu thuật: mục đích của phẫu thuật là để tiếp cận bề mặt chân răng trong túi quanh răng. 

Cùng chuyên mục